Công bố tư liệuHoạt độngSự kiện

NGHỆ THUẬT CHẠM KHẮC TRÊN KIẾN TRÚC CHÙA BÁCH MÔN

KTS: Trần Trung Hiếu

Bài viết hội thảo “Kiến trúc, Văn hóa chùa Bách Môn Trong dòng lịch sử Phật giáo Bắc Ninh – Kinh Bắc”

Mở đầu

Chùa Bách Môn (Linh Cảm tự) ngày nay được phục dựng lại theo kiến trúc của ngôi chùa xưa đã bị phá hủy hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp. Chùa được khởi dựng từ thời nhà Lý với tên ban đầu là chùa Linh Cảm. Chùa đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần trong lịch sử. Đến thời chúa Trịnh Sâm, chùa được bà Chúa Chè – Tuyên phi Đặng Thị Huệ cho sửa sang, kiến thiết thành một ngôi chùa lớn 100 cửa với mặt bằng hình vuông có bốn mặt như nhau. Có lẽ từ đó, chùa có tên gọi là Bách Môn cho đến ngày nay. Không chỉ kiến trúc chùa ngày nay được phục dựng theo ngôi chùa 100 cửa thời vua Lê – chúa Trịnh mà phần mỹ thuật chạm khắc trang trí cũng được làm theo phong cách thời đấy.

 

  1. Nghệ thuật chạm khắc trên bộ khung kiến trúc chùa Bách Môn
    • Vì nóc

Chùa Bách Môn ngày nay có mặt bằng hình vuông tạo thành bốn mặt chùa giống nhau, đều có 5 gian, 2 chái là 2 gác chuông. Những bộ vì nóc ở chùa có 2 kiểu đặt ở 2 vị trí khác nhau là các gian giữa và các gian bên.

 

Vì nóc ở các gian giữa là kiểu vì chồng rường, cấu tạo bởi 4 thanh rường chồng lên nhau, chồng lên một thanh câu đầu to gác lên 2 đầu cột. Dưới câu đầu là 2 đầu dư chạm rồng. Các thành rường đặt trên hệ đấu vuông thót đáy, được chạm đề tài rồng chầu, nghê chầu. Với hình thức vì nóc chồng rường này, toàn bộ bộ vì như hòa thành một thể thống nhất – một mảng chạm rồng nghê, có “sức nặng” về thị giác để tạo nên sự đặc biệt cho các gian giữa chùa.

Vì nóc chồng rường ở các gian giữa. Ảnh: Trần Trung Hiếu

 

Vì nóc ở các gian bên là biến thể từ bộ vì giá chiêng con chồng, có cấu tạo tương tự với bộ vì chồng rường ở các gian giữa. Sự khác biệt so với bộ vì gian giữa ở đây là 2 thanh rường dưới được thay bằng hệ giá chiêng gồm ván lá đề, cột trốn và rường cụt. Ở bộ vì giá chiêng con chồng truyền thống, 2 trụ trốn đỡ thanh rường bụng lợn rồi đến thượng lương. Ở bộ vì nóc giá chiêng con chồng của chùa Bách Môn, 2 trụ trốn đỡ 2 thanh rường trên cùng rồi mới đến thượng lương. Ván lá đề ở đây có hình dạng chữ nhật, bên trong chạm lưỡng long chầu nhật, một dạng đồ án mỹ thuật đẹp và xuất hiện khá phổ biến. Hai trụ trốn và hệ rường cụt đi theo được làm đơn giản, tạo điểm nhấn thị giác tập trung vào phía trung tâm của bộ vì.

Vì nóc biến thể giá chiêng con chồng ở các gian bên. Ảnh: Trần Trung Hiếu

 

Chạm khắc trên bộ vì nóc ở chùa Bách Môn mô tả các đề tài rồng, nghê với râu, vây hình đao mác, đây là nét đặc trưng của thời kỳ vua Lê – chúa Trịnh. Những hoa văn họa tiết được chạm ở đây có thể thấy xuất hiện khá nhiều, phổ biến trên các di tích thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII, XVIII, tạo cho người xem một cảm giác quen thuộc. Ta có thể thấy đầu dư này giống như ở chùa Keo Hành Thiện, các con chồng như ở nghè Tây, ván lá đề như ở chùa Giám… hoặc ở nhiều nơi khác có hiện diện phong cách mỹ thuật thời Lê Trung Hưng.

 

Bộ vì nóc của nghè Tây cũng là kiểu bộ vì chồng rường với 3 thanh rường gác lên nhau trên câu đầu tạo thành một mảng chạm rồng, nghê khá tinh xảo. Hình thức chạm khắc của 3 thanh rường này đã được ứng dụng trên các bộ vì nóc chồng rường ở gian giữa của chùa Bách Môn. Ở chùa Bách Môn do có khẩu độ, kích thước lớn hơn nghè Tây nên các bộ vì nóc làm thêm một thanh rường thứ tư ở dưới cùng kiểu với 3 thanh rường trên tạo thành một bộ vì nóc thống nhất về phong cách mỹ thuật thời Lê Trung Hưng.

Vì nóc nghè Tây. Ảnh: Nguyễn Hoài Nam

 

Ở bộ vì kiểu giá chiêng con chồng biến thể của chùa Bách Môn ta còn thấy được sự tương đồng về đồ án lưỡng long chầu nhật trên lá đề với chùa Giám. Vây, râu rồng cũng như tia mặt trời ở đồ án này đều có dạng đao mác đặc trưng của thời Lê Trung Hưng.

 

Lá đề ở chùa Giám. Ảnh: Trần Trung Hiếu

Lá đề ở chùa Bách Môn. Ảnh: Trần Trung Hiếu

Ở chùa Bách Môn ta thấy thống nhất một mẫu đầu dư chạm rồng với đao mác khỏe khoắn, đầu rồng được chạm khá tinh tế, cầu kỳ. Râu và vây rồng quấn với nhau, có kết cấu chặt chẽ, chắc chắn. Tuy thế mẫu đầu dư này vẫn thể hiện được sự mềm mại khéo léo ở những đường uốn cong, những chi tiết nhỏ như vây mắt, miệng rồng, nanh rồng… Có thể nói đây là mẫu đầu dư đẹp, thể hiện được đặc trưng của phong cách mỹ thuật thời Lê Trung Hưng. Phong cách đầu dư chạm rồng này cũng xuất hiện khá phổ biến ở các di tích thời kỳ đấy như ở đây ta có thể thấy được sự tương đồng giữa đầu dư chùa Bách Môn và chùa Keo Hành Thiện.

 

Đầu dư chùa Keo HT. Ảnh: Nguyễn Hoài Nam

Đầu dư chùa Bách Môn. Ảnh: Trần Trung Hiếu

 

  • Vì nách

Vì nách chùa Bách Môn. Ảnh: Trần Trung Hiếu

Các bộ vì nách ở chùa Bách Môn đều thống nhất một mẫu vì nách chồng rường, riêng thanh rường cuối ăn mộng vào cột trốn để tạo thành một khoảng trống hình chữ nhật ở ngay phía trên xà nách sát với cột cái. Ở khoảng trống này lắp một ván chữ nhật chạm đôi nghê vờn nhau, tuy đang chạy hướng vào nhau nhưng lại ngoảnh đầu lại như đang nô đùa. Các thanh rường cụt vẫn dùng hình thức của bộ vì nóc, tạo nên kiểu thức thống nhất trong và ngoài chùa. Hình thức bộ vì kiểu này cũng là mẫu khá phổ biến, được làm nhiều trong các ngôi chùa cổ.

 

  • Cột

Cột chạm rồng hai bên cửa chính bốn mặt ngoài. Ảnh: Nguyễn Trọng Hoàng Hải

 

Hầu như các cột của chùa Bách Môn đều để mộc không tô vẽ, chỉ riêng 2 cột cái 2 bên cửa chính ở bốn mặt ngoài chùa đều có chạm rồng trên thân cột. Đôi rồng trên thân cột được tạc đang bay xuống, đầu ngóc lên trên, mặt hướng vào trung tâm. Không có cảm giác bay bổng như rồng nằm ngang hoặc rồng uốn lượn trên một diện tích rộng, rồng ở đây nằm

trong một tiết diện dài hẹp và trên bề mặt cong nên việc tạo hình thế này là một sự khéo léo cực kỳ. Rồng trên cột ở đây vẫn thể hiện được sự uy dũng nhờ tạo hình vươn đầu lên trên, hai chân trước đạp xuống dưới, hai chân sau trên không trung. Râu và vây rồng đều dựng lên theo chiều dọc tạo thành khí chất uy nghiêm. Dưới chân rồng là linh thú nghê tạo thêm sự sinh động của đồ án mỹ thuật này.

 

Hình thức cột chạm rồng này không hiếm trong thời Lê Trung Hưng và đặc biệt xuất hiện nhiều ở vùng Sơn Nam hạ. Kiểu thức này thường kết hợp thêm với bộ cửa chạm rồng ở giữa tạo thành một điểm nhấn thị giác cực kỳ đẹp, uy nghiêm ở trung tâm.

Cột và cửa chạm rồng ở chùa Khoi. Ảnh: Trần Trung Hiếu

  1. Nghệ thuật chạm khắc trên hệ thống bao che chùa Bách Môn
    • Cửa chính (cửa gian giữa)

Bộ cửa chính chạm rồng ở bốn mặt chùa. Ảnh: Trần Trung Hiếu

 

Các gian giữa ở bốn mặt chùa đều được lắp một bộ cửa bức bàn 4 cánh mặt ngoài chạm rồng. Như đã nói ở trên, mẫu cửa này ăn nhập với 2 cột chạm rồng tạo thành một đồ án mỹ thuật điểm nhấn ở trung tâm. Chạm khắc rồng, nghê đều sử dụng phong cách mỹ thuật thời kỳ Lê Trung Hưng. Đồ án rồng chạm trên cửa chùa Bách Môn xuất hiện khá nhiều ở các di tích có hình thức cửa này, nếu nhìn kỹ ta lại thấy được sự tương đồng với bộ cửa của nghè Tây, tuy nhiên ở Bách Môn đã có cải tiến sinh động hơn như thêm cô tiên, nghê ở dưới chân rồng. Ngoại trừ chùa Keo Thái Bình, những bộ cửa chạm rồng nói chung thường thấy ở các di tích cổ có quy mô nhỏ nên chỉ làm 2 cánh nhưng ở chùa Bách Môn do khẩu độ gian giữa khá lớn nên được nhân đôi thành 4 cánh. Với cả 4 cánh cửa chạm rồng, việc tạo điểm nhấn thị giác ở trung tâm lại càng có sức nặng. Ngoài ra chiều cao cửa ở Bách Môn cũng lớn nên có thể thấy bộ cửa này khá hoành tráng, ấn tượng.

 

Cửa nghè Tây. Ảnh: Nguyễn Hoài Nam

Cửa chính chùa Bách Môn. Ảnh: Trần Trung Hiếu

 

Trên một cánh cửa chùa Bách Môn còn thấy một cô tiên đang đứng trên lưng rồng khá sinh động với tà váy đang tung bay trong gió. Tiên cưỡi rồng là một đồ án mỹ thuật phổ biến vào đầu thế kỷ XVII sau đấy vẫn còn dùng đến tận đầu thế kỷ XIX. Có nhiều cách giải thích cho đồ án này như Tiên long hiến thụy hay chế ngự thần mây… tuy nhiên đều muốn nói lên ước vọng của người dân về một cuộc sống bình yên, vui vẻ… Ngoài ra đây cũng vừa là một đồ án đẹp, vừa là một đồ án tiêu biểu của nền mỹ thuật Việt truyền thống.

  • Cửa gian bên, cửa gian chái (gác chuông, gác trống…)

Các bộ cửa gian bên, gian chái được làm đơn giản hơn các bộ cửa gian giữa chùa. Vẫn sử dụng những hoa văn họa tiết của thời Lê Trung Hưng như rồng, hổ, nghê, phượng… để trang trí trên các ô cửa. Đây là hình thức chạm nổi thường thấy trên các ô cửa, hương án… không phải hình thức chạm lộng như rồng rên cửa chính. Ta cũng có thể nhận thấy những con hổ, con rồng… ở đây có sự tương đồng trên các ô cánh cửa của chùa Keo Hành Thiện.

Cửa các gian bên chùa Bách Môn.

Ảnh: Trần Trung Hiếu

Cửa các gian chái (gác chuông…) chùa Bách Môn. Ảnh: Trần Trung Hiếu

 

 

  • Cửa sổ ở gian chái (gác chuông, gác trống)

Gian chái chùa Bách Môn.

Ảnh: Trần Trung Hiếu

Cửa sổ âm dương chùa Bách Môn.

Ảnh: Trần Trung Hiếu

 

Do có mặt bằng hình vuông nên các gian chái chùa ở đây là các gian ở bốn góc chùa, các gian này đều làm 2 tầng tạo thành các gác chuông, khánh, trống, mõ. Ở mỗi gian này đều sử dụng cửa sổ tròn tạo hình Âm – Dương, một hình thức cửa của người xưa mà ta thấy điển hình ở chùa Tây Phương, chùa Kim Liên đều sử dụng.

 

Cửa sổ âm dương chùa Kim Liên. Ảnh Trần Trung Hiếu

  1. Nghệ thuật chạm khắc trên hệ trang trí trong chùa Bách Môn

Ở trong mỗi một ngôi chùa, hệ trang trí trên kiến trúc như hoành phi, câu đối, thiều châu, cửa võng, y môn… đều có tác dụng tô điểm, làm đẹp thêm cho nội thất. Những bộ phận này cũng được chia thành chính phụ để đặt vào tùy từng vị trí như cửa võng, thiều châu thường được làm lớn, cầu kỳ đặt ở gian giữa có tác dụng làm điểm nhấn trung tâm, kết hợp với các đại tự, hoành phi lớn ở giữa hoặc nằm riêng hẳn phía trên. Hai bên kết hợp thêm đôi câu đối được chạm trổ cầu kỳ. Ở các gian bên có tính chất ko quan trọng như gian giữa thường chỉ trang trí bằng hệ y môn hoặc hệ cửa võng đơn giản hơn nhiều. Ta thấy rõ được điều này ở trong cách bài trí hệ trang trí của chùa Bách Môn. Các hoa văn rồng phượng sử dụng trên thiều châu, y môn ở đây vẫn dùng kiểu cách mỹ thuật thời kỳ Lê Trung Hưng để ăn nhập với toàn bộ kiến trúc chùa.

Bên trong chùa Bách Môn. Ảnh: Trần Trung Hiếu

 

 

  • Thiều châu

Thiều châu ở các gian giữa chùa Bách Môn. Ảnh: Trần Trung Hiếu

 

Ở bốn gian giữa chùa đều có lắp một bức thiều châu lớn giữa hai cột cái tạo điểm nhấn cho không gian này. Chương thiều châu chạm Lưỡng long chầu nhật, tai thiều châu chạm một con rồng bay xuống, ngóc đầu lên, mặt hướng vào trung tâm. Ở trên các ô thiều châu đều chạm rồng, phượng phong cách mỹ thuật thời Lê Trung Hưng. Ở giữa thiều châu kết hợp viết 4 chữ Đại tự. Ở diềm dưới thiều châu là 3 đôi rồng chầu kết hợp thêm 2 trụ hoa lửng nhìn khá đẹp và sinh động. Hình thức trụ hoa lửng này có thể bắt gặp ở trên thiều châu của chùa Thầy hay trên cửa võng đình An Cố… đều là phong cách giai đoạn thế kỷ XVII, hoặc còn thấy xuất hiện nhiều ở diềm dưới của các hương án chân cao thời Lê Trung Hưng. Với việc để bức thiều châu lớn ở trung tâm, tổng thể trang trí trong nội thất chùa Bách Môn có thể nói là khá hợp lý, tạo được sự trang nghiêm cần thiết cho không gian Phật điện ở các gian giữa.

Trụ hoa lửng trên thiều châu chùa Bách Môn.

Ảnh: Nguyễn Hoài Nam

Trụ hoa lửng trên thiều châu chùa Thầy.

Ảnh: Trần Trung Hiếu

 

 

  • Y môn

Y môn ở các gian bên chùa Bách Môn. Ảnh: Nguyễn Trọng Hoàng Hải

 

Cùng là hệ trang trí nhưng có thể thấy, hình thức y môn ở các gian bên chùa Bách Môn tương đối đơn giản hơn nhiều so với hình thức thiều châu ở gian giữa. Y môn ở đây được làm thành 2 tầng chia các ô vuông và chữ nhật, bên trong chạm nổi rồng, phượng, mặt trời theo phong cách mỹ thuật Lê Trung Hưng để ăn nhập với tổng thể chung toàn chùa. Ở gian bên sử dụng hệ y môn đơn giản này là một sự hợp lý tạo nên yếu tố chính phụ trong trang trí nội thất của ngôi chùa Bách Môn.

 

Kết luận

Chùa Bách Môn cổ không chỉ có lịch sử lâu dài từ thời nhà Lý mà đến thời Lê Trung Hưng được dựng thành một ngôi chùa khá độc đáo, đặc biệt trong hệ thống công trình kiến trúc truyền thống của người Việt. Việc phục dựng lại chùa Bách Môn ngày nay là một thành quả lớn lao của thời đại mới. Chùa nay không chỉ hiện diện lại được kiến trúc xưa mà còn thể hiện được phong cách mỹ thuật thời kỳ vua Lê – chúa Trịnh nhờ vào việc chạm trổ rất tỷ mỉ cầu kỳ trên từng cấu kiện. Có thể nói chùa Bách Môn xứng đáng là một trong những ngôi chùa đẹp, tiêu biểu và giá trị của thế kỷ XXI.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Sở Văn hóa và Thông Tin Hà Bắc, Lý lịch di tích đình Long Khám, 1990.
  2. Viện Bảo tồn di tích, Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích, tập 1, 2017.
  3. Viện Bảo tồn di tích, Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích, tập 2, 2018.
  4. TS. Trần Lâm Biền, Văn hóa Nghệ thuật chùa Việt: Vài nét cơ bản, 2019.
  5. Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa, Nguyễn Văn Hùng (chủ biên), Trần Trung Hiếu, Lê Thái Dũng, Nguyễn Thị Hương Mai, Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Việt, 2022.
  6. TS. Khuất Tấn Hưng, Bài kỷ yếu hội thảo khoa học Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Thống nhất trong đa dạng, Đặc điểm kiến trúc và những giá trị nội bật của chùa Bách Môn, Bắc Ninh, 2023.

 

 

Leave a comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Articles

NHỮNG NGÔI CHÙA TRÊN QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

9 ngôi chùa hình thành từ những miếu, am thờ hay những...

Khảo cứu tấm bia ghi dấu chân Thánh tổ Không Lộ ở chùa Thần Quang Tây, Nam Định

…Khi đến chùa Thần Quang Cổ Lễ cũng phát hiện một tấm...

HỘI LÀNG LONG KHÁM VÀ CHÙA BÁCH MÔN

  HỘI LÀNG LONG KHÁM VÀ CHÙA BÁCH MÔN Ths. Lưu Thị...

Chùa Già Lê – Xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội

Chùa Già Lê – Xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội Chùa...