…Khi đến chùa Thần Quang Cổ Lễ cũng phát hiện một tấm bia có khắc dấu chân Thánh Tổ, ghi cùng một năm khắc là Khải Định thứ 10 (1925), qua đối chiếu văn khắc thì nội dung cũng giống như tấm bia ở chùa Thần Quang Tây, có vẻ như là một bản sao của tấm bia ở chùa Thần Quang Tây….
NNC Phan Anh Dũng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023
Giới thiệu chung:
Không Lộ là vị thiền sư được thờ cúng ở nhiều vùng, đặc biệt là vùng biển Nam Định, Thái Bình với nhiều truyền thuyết kể về những phép thuật thần diệu linh ứng lạ thường … nên được dân gian kính ngưỡng tôn xưng là Thánh tổ, các truyền thuyết về sau lại được gộp với Quốc sư Nguyễn Minh Không qua câu chuyện chữa bệnh hóa hổ cho cho vua Lý Thần Tông cũng rất kỳ lạ lôi cuốn người nghe, nên càng được thần thánh hóa thêm. Trước khi đạo thờ thánh mẫu Liễu Hạnh nổi lên từ nửa sau đời Lê thì Không Lộ (có thuyết lại cho là Từ Đạo Hạnh ?) được coi là một trong 4 vị thần “Tứ Bất Tử” của người Việt (gồm Tản Viên Sơn thánh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Không Lộ sau thay thế là Thánh mẫu Liễu Hạnh).
Các câu truyện về Thánh tổ Không Lộ đã được ghi chép thành sách ngay từ thời Trần như tiểu truyện Dương Không Lộ trong sách Thiền Uyển Tập Anh, tiểu truyện Không Lộ trong Lĩnh Nam chích quái, về sau này vào đời Lê Trung Hưng đã được ghi chép lại theo hướng gộp vào với Nguyễn Minh Không chẳng hạn như bản Thiền chân Thực lục và Nam Việt Phật tổ Tam thánh sự tích thiền uyển ngữ lục kí tập ở chùa Keo Hành Thiện, Nam Định v.v… Các bản diễn Nôm (thường gọi là “Kệ”) kể sự tích Thánh Tổ Không Lộ (gồm cả Quốc sư Minh Không) ra đời từ khoảng đời Lê Trung Hưng cũng có rất nhiều, ví dụ:
– Lý triều quốc sư Thánh tổ kệ dẫn bản in của chùa Keo (Thần Quang) Thái Bình, có ghi là do Tiên Điền Lễ Tham Nguyễn Hầu (Nguyễn Du) duyệt chính, sau đây sẽ ký hiệu là bản A.
– Thánh tổ thực lục diễn âm bản in của chùa Viên Quang xã Nghĩa Xá, Nam Định, do Bùi Tử Căn đứng san khắc, sau đây sẽ ký hiệu là bản B.
– Hoa Đàm thiền sư thánh đức tụng bản sưu tầm ở đền Thánh Nguyễn
– Thánh tổ hạnh thực diễn âm ca của tiến sĩ Đặng Xuân Bảng người làng Hành Thiện, Nam Định.
– Thánh tổ Bản hạnh tài liệu sưu tầm của thầy Thích Tâm Hiệp, chưa công bố.
– .v.v…
Đặc biệt các dấu tích tương truyền do Thánh Tổ để lại trên đá ở vùng đất Nam Định – Thái Bình tức phủ Thiên Trường đời Trần khá nhiều, điều này cũng dễ hiểu vì các hiện vật đá bảo tồn được lâu hơn các hiện vật gỗ hay sách vở giấy, tranh ảnh trên vải… xin trích lại từ các bản diễn ca Nôm các chuyện đó như sau.
Theo bản A:
Dạo chơi khắp hết gần xa
Thọ Tung dấu ngựa trải qua cũng kỳ
Dấu ngồi giết rận đen sì
Đá còn ngấn đỏ đố kì cho phai
(Tích nói về cầu đá ở xã Thọ Tung, có dấu ngồi của Thánh)
…
Lại còn đôi dép bỏ rơi
Một chiếc Yên Hạ một nơi Quân Hành
Hai làng hai phiến đá xanh
Vật thiêng tìm thấy dân tình được an
(Tích nói về hai hòn đá hình đôi dép ở Yên Hạ và Quân Hành)
…
Khang Cù khéo cũng cả gan
Thấy viên đá rộng bàn toan bắc cầu
….
Dấu thiêng chùa Lẫm lạ sao
Chợ tên Tam Bảo đời nào còn nguyên
(Nói về tấm bia đá ghi tên Chợ Tam Bảo, hiện
còn lưu ở chùa Viên Quang Như, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực)
…
Nhương Đông tiện lối bước sang
Bỏ ngay phiến đá nằm ngang giữa đồng
Sâu dư bốn tấc ở trong
Còn hình dây buộc tỏ lòng bàn chân
Đê bồi sông lở mấy lần
Đá còn trơ đó khôn vần được đâu
(Về phiến đá ở xã Nhương Đông, nơi có chùa Nội tức chùa Thần Quang Tây)
Khi về chùa Nội bấy lâu
Qua làng Liên Tỉnh nhiệm mầu phép tiên
Đá đâu một tấm tự nhiên
Nốt chân ghi lại còn yên dấu hình
Bốn bề cả một sắc xanh
Bên trong có một chữ Đinh rõ ràng
(Nói về phiến đá từng được dùng làm cầu ở làng Liên Tỉnh, nay là một thôn thuộc xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, hiện nay đặt trước một điện thờ Tam Thánh mới làm bằng tranh, tre, xem ảnh minh họa)
Theo bản B:
Lại đi đến xã Quân Hành(1)
Dựng ngay chiếc dép đá xanh để đời
Làng Yên(2) cũng một chiếc rơi(3)
Chia ra thì động nối rồi được yên
(Hai tảng đá hình đội dép ở Quân Hành và
làng Yên Hạ đã đề cập ở bản A)
…
Khang Cù(4) có sự cũng hay
Đá xanh một phiến lấy ngay bắc cầu
Rộng dài dày dặn(5) trước sau
Giữa thông một lỗ tựa hầu quảy đi(6)
(Hòn đá dùng bắc cầu ở Khang Cù)
An Điềm(7) có sự cũng kỳ
Một khe nước biếc Thánh thì làm đăng
Đôi bên đá dựng ngang bằng
Có ba dấu trũng như rằng ngón in
(Hòn đá có 3 dấu ngón chân ở An Điềm)
…
Bệ ngồi bán cá còn đây
Ở nơi chợ Lẫm xưa nay gọi là(8)
Trong lầu bia đá dựng ra
Khắc “Tam Bảo Thị” nét hoa chưa mòn(9)
(Nói về tấm bia Tam Bảo Thị ở chợ Lẫm mà bản A đã kể)
…
Lại xem chùa Nội Nhương Đông(10)
Đá xanh rơi ở cánh đồng một viên
Nốt buộc hòn đá còn nguyên
Trũng sâu sáu tấc như in gót thần
(Về phiến đá ở xã Nhương Đông, mà bản A cũng đã kể)
Đến nay sông lở đã gần
Ngẫm câu thơ cổ có phần không sai(11)
(Về phiến đá ở đền Duyên Giang bên bờ sông
Hồng, ngang cùa Nội, ngay bến đò Nam Giang)
Nhớ khi Liên Tỉnh qua chơi(12)
Đá xanh cũng thấy bỏ rơi một hòn
Dấu chân đạp đó hãy còn
Chữ Đinh nổi trắng chưa mòn nét hoa
(Về phiến đá ở làng Liên Tỉnh, như bản A)
Vị Khê xã ấy trải qua
Dấu hài in đó trũng đà như y(13)
(Tảng đá có dấu chân, hiện nay vẫn còn lưu ở chùa Vị Khê)
Thọ Tung cầu đá cũng kì
Dấu ngồi giết rận huyết thì còn tươi
(Tảng đá làm cầu ở xã Thọ Tung)
v.v…
Để ý các địa danh có dấu tích Thánh tổ bằng đá được đề cập trong các bản kệ và so sánh với bản đồ bờ biển thời Lý thì đó là một dải bờ biển hoặc bãi cồn ngoài biển kéo dài từ Giao Cù, Tây Lạc qua chùa Thần Quang Tây tới đền Duyên Giang (bến đò Nam Giang) và ngược dòng sông Hồng lên tới chùa Vị Khê.
Đặc biệt, khi tới khảo sát ở chùa Thần Quang Tây, tức chùa Nội Nhương Đông, thường gọi là chùa Nội kể ở các tích chuyện trên, chúng tôi đã rập được tấm bia có dấu chân in trên đá và bài văn bia khắc trên tấm bia đó. Ngoài ra khi đến chùa Thần Quang Cổ Lễ cũng phát hiện một tấm bia có khắc dấu chân Thánh Tổ, ghi cùng một năm khắc là Khải Định thứ 10 (1925), qua đối chiếu văn khắc thì nội dung cũng giống như tấm bia ở chùa Thần Quang Tây, có vẻ như là một bản sao của tấm bia ở chùa Thần Quang Tây.
Trong bài này chúng tôi muốn giới thiệu riêng về tấm bia chùa Thần Quang Tây. Bia có kích thước cao 52cm rộng 38cm, dựng trang trọng ngay giữa hiên trước đại điện chùa Nội, mặt trước là bài văn chữ Hán kèm dấu chân trên đá, ứng với bàn chán phải, mặt sau khắc một bài văn nôm kèm với cả chữ quốc ngữ phiên âm.
Nguyên văn bia chữ Hán ở mặt trước:
石 脚 碑 記
蓋 聞
佛 德 如 山 惟 高 惟 聳 , 聖 心 似 海 最 廣 最 深 .
若 天 河 沙 無 以 比 其 多 , 劫 高 難 以 穷 其 盡.
方 今 納 子 憶 石 跡 於 李 朝 上 古 聖 人 鎮 瀼 江 地 分.
聖 而 益 聖 容 再 覩 於 碑 文
靈 乃 尤 靈 欲 重 光 於 脚 跟
奉 祝 :
國 家 長 治 , 帝 道 遐 昌
佛 日 增 輝 . 聖 燈 永 照
風 調 雨 順 , 和 穀 豐 收
天 下 太 平 , 民 間 壽 樂
皇 朝 啟 定 拾 年 歲 次 乙 丑 神 光 寺 老 椎 謹 撰
Phiên âm:
Thạch cước bi ký
Cái văn:
Phật đức như sơn duy cao duy tủng, thánh tâm tự hải tối quảng tối thâm. Nhược thiên hà sa vô dĩ tỉ kì đa, kiếp cao nan dĩ cùng kì tận. Phương kim nạp tử ức thạch tích ư Lý triều thượng cổ thánh nhân trấn Nhương giang địa phận.
Thánh nhi ích thánh dung tái đổ ư bi văn. Linh nãi vưu linh dục trùng quang ư cước cân.
Phụng chúc:
Quốc gia trường trị, Đế đạo hà xương
Phật nhật tăng huy. Thánh đăng vĩnh chiếu
Phong điều vũ thuận, Hòa cốc phong thâu
Thiên hạ thái bình, Dân gian thọ lạc.
Hoàng triều Khải Định thập niên tuế thứ ất sửu Thần Quang tự lão chùy cẩn soạn.
Dịch ý:
Bia ghi dấu chân đá.
Từng nghe:
Đức của Phật như núi cao vời vợi, lòng của Thánh như biển thẳm rộng sâu. Nhiều như cát sông thiên hà cũng không so được, kể ra thì chẳng tận chẳng cùng. Ngày nay lão nạp tăng nhớ tới dấu chân trên đá của bậc Thánh nhân thượng cổ từ đời Lý trấn nơi địa phận sông Nhương.
Thánh càng thêm Thánh, muốn được thấy lại ở văn bia, linh ôi thực linh phải làm rõ thêm dấu chân thần dị.
Xin kính chúc:
Quốc gia trường trị, ngôi vua vững vàng
Phật nhật sáng soi. Thánh đăng chiếu mãi
Gió hòa mưa thuận, Lúa gạo đầy rương
Thiên hạ thái bình, Dân gian vui hưởng
Triều vua Khải Định năm thứ mười là năm Ất Sửu, lão tăng vụng ở chùa Thần Quang kính soạn.
Mặt sau là văn bản chữ Nôm kèm phần phiên âm quốc ngữ:
Nam vô thánh tổ nước ta
Đời xưa cây Lý nẩy hoa ưu đàm
Chùa Cổ Lễ đến Tương Nam
Đinh điền còn ít hải nham rộng dài
Dần dần nổi rộng xa khơi
Quỷ ma lắm lắm quấy người chan chan
Giời cho tiên xuống nhân gian
Mượn nghề đăng đó giữ dàng nam bang
Khi cửa bể khi ngọn ngàn
Khi đưa đá bỏ rong đàng trừ yêu
Nơi di tích nơi giá kiều,
Làm chùa thờ phật từ triều Lý nay
Khi Kinh Bắc lúc Kinh Tây,
Rút đường như thể rút dây gọn gàng
Tăng ni biết đạo tham phương
Cũng nhờ Thánh tổ mở mang trước giờ
Vậy tôi xây bệ lên thờ
Bia này chứng đã hai vua tôn ngài
Quốc sư hai chữ là thầy
Ai ôm việc nước bia này nên công
Đá sao xách nhẹ như không
Chân sao như sắt như đồng như gang
In sâu khoay khoáy cả bàn
Nghìn năm đã biết tràng giang cũng gần
Chẳng cho xê dịch một phân
Sông thiêng lại sợ đá thần kiên gan
Còn nhiều công nghiệp chan chan
Trừ tinh thọ quốc dân gian đảo cầu
Thánh tu pháp phật rất mầu
Tích người nói mãi nghìn sau chưa rồi
Nôm na vụng dẫn mấy lời
Gọi là ghi để muôn đời làm gương.
Khải Định thập niên tam nguyệt nhị thập thất nhật, tự tăng cẩn bạch
(Năm Khải Định thứ 10, tháng 3 ngày 27, tăng ở chùa kính cẩn viết rõ)
Khảo qua nôi dung bài văn Nôm này thấy khá ngắn, chỉ có 32 câu làm theo thể thơ lục bát, lời thơ giản dị cũng bình dân như chính thể thơ lục bát vậy.
Hai câu “Chùa Cổ Lễ đến Tương Nam. Đinh điền còn ít hải nham rộng dài”, mô tả khá rõ địa hình vùng này thời Lý là nơi cửa biển hoặc giáp bờ biển (hải nham), tức là cửa sông Hồng, đất đai vốn là các cồn bãi ngoài biển, dần dần bồi đắp thành đất liền… nhưng vẫn còn nhiều kênh rạch, vì vậy việc xây cầu, xây bến là việc cần thiết có lợi ích cho nhân dân và đất nước. Mà vùng Thiên Trường (Nam Định-Thái Bình) lại gần với Ninh Bình nơi có thể dễ dàng khai thác đá vôi làm cầu và vận chuyển về bằng đường thủy. Vì vậy không ngạc nhiên khi các dấu tích Thánh Tổ trên đá phần lớn đều liên quan tới cầu cống hay quán chợ, bến sông. Câu “Nơi di tích nơi giá kiều”, phản ảnh rất rõ điều này, vì giá kiều nghĩa là “bắc cầu”.
Việc dựng cầu dựng quán là việc nặng nhọc phải dùng tới “thần lực” phản ánh qua các câu “Đá sao xách nhẹ như không. Chân sao như sắt như đồng như gang”… nhìn lên bản rập hình bàn chân Thánh Tổ trên bia ở dưới cũng nhận thấy rõ: bàn chân to bè như chân của một người phu thuyền chài to lớn, lực lưỡng, phù hợp với các sự tích đều kể rõ rằng Thánh tổ vốn làm nghề chài lưới, ứng với câu “Giời cho tiên xuống nhân gian. Mượn nghề đăng đó giữ dàng nam bang”, cả sách Thiền Uyển Tập Anh cũng ghi rõ trong chuyện Thiền sư Không Lộ rằng “Thiền sư họ Dương, người Hải Thanh, nhà mấy đời làm nghề đánh cá…”. Chúng tôi đo thử bề ngang dấu chân trên bản rập thì chỗ rộng nhất đến 14,5 cm còn bề dài khoảng 28cm ứng với người có chiều cao có thể hơn 1m8, tức là một người người rất to lớn, có thuyết cho rằng tên Không Lộ vốn có nghĩa là “Khổng Lồ” và Quốc sư Nguyễn Minh Không, người được dân gian đồng nhất với Không Lộ, còn được gọi là Khổng Minh Không.
Người đứng ra gánh vác hoặc chỉ đạo xây dựng cầu đường hiển nhiên là người có công đức lớn với nhân dân và đất nước, được nhân dân thờ phụng và tín ngưỡng, thể hiện qua các câu “Ai ôm việc nước bia này nên công”, “Còn nhiều công nghiệp chan chan. Trừ tinh thọ quốc dân gian đảo cầu …”
Ngoài việc dựng cầu thì việc đắp đê ngăn lũ lụt và làm kè chống sạt lở bờ sông cũng là việc lớn và nặng nề, câu “Sông thiêng lại sợ đá thần kiên gan” ở trên rõ ràng là nói về tảng đá ở bến đò bờ sông Hồng, ngay gần chùa Nội, tảng đá hiện được đặt trong ngôi đến thờ Thánh tổ Không Lộ ở bờ sông (nên gọi là đền Duyên Giang), đây là khúc sông Hồng cong gập hình chữ U, mà phần đáy chữ U là phần bị lở, có hướng ăn về phía chùa Nội. Tảng đá của thánh Không Lộ đặt ở đó tương truyền có phép lạ ngăn sông lở, theo như ghi chú ở Bản B: “khi sông lở thì đến bên hòn đá của Thánh làm lễ, thầy pháp lấy đá nhỏ ném xuống, thì thoát được nạn sông lở”… Nếu bỏ qua yếu tố huyễn hoặc thì thực tế có lẽ phản ánh việc thời xưa nhân dân thường vận chuyển đá đến đây để kè bờ sông, vừa có tác dụng ngăn đất lở, đồng thời lại tạo ra một bến sông kè đá cho thuyền bè tiện neo đậu, tiện vận chuyển hàng hóa lên xuống… và Thánh Không Lộ nếu là nhân vật thực thì có thể chính là người đặt tảng đá đầu tiên làm kè ở lối lên xuống bến, khi người ta lên xuống nhiều sẽ tạo ra vết lõm hình bản chân, về sau hình thành truyền thuyết và tảng đá “thần” đó đã được dân chúng đưa lên trên đền để thờ cúng?
Theo câu “Bia này chứng đã hai vua tôn ngài” thì chắc bia đã được dựng từ trước, khoảng đầu đời Duy Tân, và tính đến năm Khải Định 10 thì chùa đã từng được hai vua Duy Tân và Khải Định ban sắc phong.
NNC Phan Anh Dũng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lý triều Quốc sư Thánh tổ kệ dẫn. Thích Quảng Hà, Thích Thanh Đoàn, Thích Tâm Hiệp chủ biên. NXB Hồng Đức, 2021.
2. Thiền uyển Tập anh. Bản dịch của nhóm Ngô Đức Thọ, NXB Văn học, Hà Nội, 1990.
3. Các tài liệu sưu tầm thực địa của nhóm tác giả.
CHÚ THÍCH:
(1). Nguyên bản chú là: ở Chân Định, Thái Bình. (2). Nguyên bản chú là: ở Đại An, Nam Định.
(3). Nguyên bản chú là phiến đá này “dài 19 thước, rộng 5 thước, dày một thước 5 phân”. (4). Thuộc xã Động Trung, huyện Chân Định, tỉnh Thái Bình.
(5). Mất chữ, chúng tôi tạm phiên là “dày dặn” cho xuôi câu, bản có chữ Quốc ngữ ở Đền Nguyễn phiên là “dày nhẫn”, cũng tạm có nghĩa.
(6). Nguyên bản chú là: ở xã Thạch Cầu, huyện Nam Trực, cũng có tảng đá giống vậy tục truyền Thánh gánh tới để. (7). Nguyên bản chú là: tên xã thuộc huyện Chân Định, tỉnh Thái Bình.
(8). Nguyên bản chú là: “Chợ Lẫm ở xã Tây Lạc, huyện Nam Trực”, giáp xã Dao Cù, nay xã Tây Lạc và Dao Cù là hai thôn thuộc xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực.
(9). Nguyên bản chú rằng : Trong chợ có một bệ cao hai thước vuông tám thước, ngày trước Thánh bán cá ở đó. Trên có lầu nhỏ, trong lầu có bia đá khắc 3 chữ “Tam Bảo Thị”. Phía bắc chợ thánh lập một chùa, gọi là Viên Quang Như tự. Phía nam chùa là sông Trà Đâu, Thánh thường xăm cá ở đoạn sông đó. Tổ đình Viên Quang Như nay ở thôn Tây Lạc, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, là trụ sở Phật giáo huyện Nam Trực, nhóm chúng tôi đã đến khảo sát và xác định tấm bia vẫn còn, và đặt tại sân chùa
Viên Quang Như, trên bia có hai dòng chữ Hán là “三 寶 市 – Tam Bảo Thị” và “三 位 大 法 師 – Tam Vị Đại Pháp Sư” ngoài ra có
thể còn một dòng bị mờ hết chữ.
(10). Nguyên bản chú “Nhương Đông là tên xã”, đây tức là chùa Tây Thần Quang, cũng gọi Chùa Nội, nay thuộc xã Nam Hồng, huyện Nam Trực.
(11). Nguyên bản chú : Chùa này trong Bảo Lục có thơ rằng: “Loan phượng hòa minh bách sự thành. Giang hà đáo xứ vĩnh bình ninh. Kỷ điểm chúng tinh triều Bắc Đẩu. Nguyệt đáo trung thiên tứ hải minh.” Nay khi sông lở thì đến bên hòn đá của Thánh, thầy pháp lấy đá nhỏ ném xuống, thì thoát được nạn sông lở. Vậy là ứng với câu thơ “Kỷ điểm chúng tinh triều Bắc Đẩu. Giang hà đáo xứ vĩnh bình ninh” (Hòn đá của Thánh là Bắc Đẩu, các hòn đá nhỏ là sao nhỏ chầu vào).
(12). Nguyên bản chú : Liên Tỉnh là xã thuộc huyện Nam Trực, nay là một thôn thuộc xã Nam Hồng, có phiến đá dàì 12 thước 1 tấc, một đầu rộng 2 thước 4 tấc, một đầu rộng 3 thước 2 tấc, hai dấu chân Thánh còn lưu trên đá một bên dài 4 tấc sâu 1 tấc, một bên dài 2 thước 2 tấc, sâu 2 tấc, giữa lòng bàn chân có ngấn trắng hình chữ đinh 丁. Nay xã đó lấy tấm đá bắc cầu.
(13). Nguyên bản chú : Vị Khê là tên xã thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là thôn Vị Khê xã Điền Xá huyện Nam Trực). Dấu giầy ở trên mặt đá sâu 4 tấc. Tấm đá rất thiêng, đặt ở trước chùa không thể di dịch.
Leave a comment