HỘI LÀNG LONG KHÁM VÀ CHÙA BÁCH MÔN
Ths. Lưu Thị Dung
- Tổng quan làng Long Khám
Làng Long Khám trước đây có tên là thôn Long Cung, xã Long Khám, tổng Đông Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Làng có tên Nôm là làng Rồng. Nay thuộc thôn Long Khám, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Long Khám là một vùng đất cổ, nơi đây từng phát hiện được dấu tích cư trú của con người ở các thời đại khác nhau. Từ thời tiền sử – sơ sử, Long Khám đã có cư dân đến đây tụ cư sinh sống, dựa vào điều kiện tự nhiên ưu đãi, có hệ thống núi Núi Rồng, núi Hổ, núi Con Lợn, núi con Cá, núi Bát Vạn lại có các đầm nước tự nhiên hội tụ là điều kiện thuận lợi cho cư dân Việt cổ sinh sống, canh tác trồng trọt ở ven các chân núi.
Qua kết quả khai quật Khảo cổ học của huyện Tiên Du cùng một số các di chỉ mới tìm thấy nằm dải dác khắp nơi trong huyện cùng nhiều hiện vật như: Vòng khuyên, hạt chuỗi, hoa tai, lưỡi rìu, lưỡi bôn…được chế tác tinh xảo bằng các loại đá, có niên đại cách ngày nay khoảng 3500 năm. Đặc biệt vào tháng 4 năm 1990 tại chân núi Hổ, núi Rồng gần chùa Bách Môn, trong quá trình làm móng nhà dân, đã phát hiện một ngôi mộ Hán còn khá nguyên vẹn, bên trong mộ có chứa nhiều hiện vật bằng đồng, gốm, đá có giá trị về nhiều mặt[1]. Qua đó cho thấy làng Long Khám từ xưa đã có cư dân Việt cổ tụ cư sinh sống. Trong làng có các dòng họ lớn là Tạ, Trần, Chu, Phạm, Nguyễn, Vũ và nhiều dòng họ sinh sống lập nên xóm làng.
- Nhân vật được thờ
Hiện nay, tại đình Cả còn lưu giữ được 07 đạo sắc phong (bản phục chế từ Thần tích – Thần sắc 1938) ban cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Lý Phủ Quân. Trong đó có 3 đạo sắc ban cho Hưng Đạo thượng đẳng thần; 01 sắc ban cho thần Lý Phủ Quân và 03 đạo sắc ban chung cho Hưng Đạo và Lý Phủ Quân.
- Ngày 15 tháng 11 niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 6 (1846)
- Ngày 13 tháng 12 niên hiệu Tự Đức năm thứ 3 (1850)
- Ngày 20 tháng 12 niên hiệu Tự Đức năm thứ 3 (1850)
- Ngày 20 tháng 12 niên hiệu Tự Đức năm thứ 3 (1850)
- Ngày 24 tháng 11 niên hiệu Tự Đức năm thứ 33 (1880)
- Ngày mồng Một tháng 7 niên hiệu Đồng Khánh 2 (1887)
- Ngày 11 tháng 8 niên hiệu Duy Tân năm thứ 3 (1909)
Theo thần tích – thần sắc làng Long Khám (lưu trữ tại Viện thông tin Khoa học Xã hội), Viện Hán Nôm dịch thuật thì trước đây đình làng Long Khám thờ 4 vị Thành hoàng làng là:
- Hưng Đạo Đại Vương tên húy là Trần Quốc Tuấn
- Dực Thánh Đại vương
- Đông Chinh Đại vương
- Vũ Đức Đại vương
*Từ năm 1997-1998 sau khi dân làng Long Khám dựng lại tòa Đại đình thì từ đó đình chỉ thờ Trần Hưng Đạo.
- Đình – chùa Long Khám
Đình Long Khám xưa nằm phía trước chùa Bách Môn “Tiền đình, hậu chùa”, nằm trên khu vực “Bãi Cát” bây giờ. Theo lời các cụ cao niên trong làng kể lại đình có từ rất sớm, thời Tiền Lý và trong đình trước đây còn có đại tự: “Đế quốc Vạn Xuân”. Thời kì đó ở vị trí “Bãi Cát” thường bị lụt lội, cả chùa Bách Môn và đình Long Khám đều bị hư hỏng. Vào khoảng thế kỷ 18, chùa Bách Môn được tôn lên cao, nằm trên núi Khám Sơn.
Chùa Long Khám có tên chữ là “Linh Cảm tự”, nay tên thường gọi là chùa Bách Môn. Chùa được khởi dựng từ thời nhà Lý, ngôi chùa được vua Lý Thần Tôn cho dựng vào năm Thiên Chương Bảo Tự thứ tư (1136) sau khi ông được Minh Không Thiền sư chữa khỏi căn bệnh hiểm nghèo[2]. Thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782), chùa Linh Cảm được bà Chúa Chè – Tuyên phi Ðặng Thị Huệ lựa chọn làm nơi ăn chay cầu nguyện, tìm sự yên tĩnh nơi cửa thiền. Bà đã cho sửa sang, kiến thiết chùa thành một công trình đồ sộ với đủ cả bốn phương tám hướng và có tới 100 cửa để tu tâm tích đức. Và tên gọi “Bách Môn” cũng được bắt đầu vào thời kỳ này và dần trở nên phổ biến trong dân gian[3].
Ảnh: Phía trước đình làng Long Khám
Đình làng Long Khám nằm ở vị trí trung tâm của 4 xóm: Xóm Thần, xóm Đình, xóm Chùa và xóm Làng. Đình được dựng ở đầu xóm Đình, dưới chân núi Rồng, một trong 5 núi thiêng của xã Việt Đoàn: Núi Rồng, núi Hổ, núi Con Lợn, núi con Cá, núi Bát Vạn. Theo các cụ kể lại vào khoảng thời Lê đình Long Khám chuyển về vị trí hiện nay, đình dựng bằng gỗ lim, gồm có đại đình, tiền tế, 2 dãy tả hữu vu, có hệ thống sàn sạp đình, có 1 gian để nhốt ngựa. Vào thời kháng chiến chống Pháp, theo lời kêu gọi của đảng tiêu thổ kháng chiến, sợ Pháp nhảy dù lấy đình làm địa điểm đóng quân, nên chính quyền cách mạng ở Long Khám đã dỡ phá tòa Đại đình, chỉ để lại tòa Tiền tế. Cũng trong đợt này, chùa Bách Môn bị phá hủy theo.
Ảnh: Bên trong tòa Tiền tế đình làng Long Khám
Buổi làm việc với các cụ tại đình làng Long Khám
Sau khi hòa bình lập lại, năm 1998, được sự ủng hộ của dân làng, đại đình Long Khám được dựng lại, bằng gỗ đàn, gỗ xoan, có diện mạo như hiện nay.
- Hội làng Long Khám
Long Khám là một làng cổ, nằm trong cái nôi văn hóa thuộc xứ Kinh Bắc. Qua hệ thống di tích lịch sử, cùng với lễ hội đã phản ánh rõ nét đời sống vật chất, tinh thần, phong tục thờ cúng, đã được cư dân lưu giữ bảo tồn từ ngàn xưa.
Hội làng Long Khám được diễn ra tại đình Long Khám, hội tổ chức vào ngày 20 tháng 8 Âm lịch hàng năm, kỉ niệm ngày hóa của Trần Hưng Đạo. Ngài được thờ tự ở nhiều nơi khắp Việt Nam, song mỗi nơi thờ phụng lại có những nét riêng trong việc thờ cúng và tổ chức lễ hội.
Hội làng Long Khám được tổ chức hàng năm với các trò chơi dân gian đậm chất “nhà binh”, thể hiện tinh thần thượng võ, gắn với những sự tích về vị tướng tài ba và bên cạnh đó trong lễ hội cũng mang bản sắc rất riêng của xứ Kinh Bắc. Ngoài ra hàng năm, làng Long Khám còn tổ chức các ngày lễ khác như: Ngày mùng 3 tháng 5 lễ Hạ điền; ngày 17 tháng 7 lễ Thượng điền; ngày 15 tháng 8 lễ Trung thu và Thường tân; ngày mùng 10 thắng 1 lễ Kỳ yên (cầu an); ngày 17,18,19,20 và 21 lễ Kỳ phúc.
Thời gian diễn ra lễ hội: Hội làng hàng năm tổ chức từ 16 đến 2/8 Âm lịch. Những năm phong đăng hòa cốc thì tổ chức đến 28/8, chính hội là ngày 20 tháng 8 Âm lịch. Ngày 16, 17 tế nhập tịch, 20 tế vào đám, 21 tế giã đám.
4.1. Lễ hội xưa:
Phần lễ: Trong xã hội xưa, thời phong kiến, mọi nghi thức, nghi lễ thờ cúng thần – Thành hoàng làng ở chốn đình chung được quy định theo lệ làng rất khắt khe bắt buộc mọi người phải tuân theo nghiêm ngặt đặt biệt là việc “làng”, việc “Thánh”. Nên mỗi khi làng đến hội làng thì mọi công tác được chuẩn bị rất kĩ lưỡng.
Theo các cụ cao niên kể lại: Người đóng vai trò quan trọng nhất ở đình thời xưa, thực hiện nghi lễ cúng tế trong lễ hội là “Ông Đám”[4]. “Ông Đám” được dân làng trong giáp bầu ra. Với tiêu chí là cụ ông từ 70 tuổi trở ra, gia đình song toàn còn cả cụ bà, là người uy tín mẫu mực, minh mẫm, có năng lực, kinh tế khá giả. Hàng năm “Ông Đám” được cấp 3 mẫu ruộng chung để có tiền điều hành và khao làng. “Ông Đám” trong năm không được đi xa, trong làng có đám ông cũng không phải thăm viếng và đưa ma, trong đình “Ông Đám” được ngồi chiếu trên, có khi là chủ tế, Hậu cung cũng chỉ “Ông Đám” mới được vào. Thời gian làm “Ông Đám” là một năm, năm sau dân lại cử người khác. Tuy vậy nếu như nhà có tang thì “Ông Đám” phải thay ngay. Gia đình nào có người làm “Ông Đám”, thì cả gia đình dòng họ đều rất tự hào, thường sẽ làm cỗ khao lớn. “Ông Đám” được mọi người rất kính trọng.
Thời xưa, việc tế ở đình làng có quy định: Người được tham gia tế phải là nam thanh niên từ 18 tuổi trở lên, phải ở tư văn, có “Nhiêu”. Trước và trong ngày hội phải tắm gội sạch sẽ, không làm việc ô uế, không ăn hành tỏi và thịt chó. Thời xưa quy định để được tế ở đình vào ngày hội làng, trai đinh phải bỏ tiền ra mua “Nhiêu”. Để có được xuất “Nhiêu” thì phải là gia đình có điều kiện nhiều tiền mới mua được. Với quan niệm “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, được ngồi trong đình thời xưa là điều rất vinh dự bởi vậy mà biết bao người phấn đấu để có được chỗ ngồi trong đình.
Nhân lực tế: Số người tham gia tế khoảng 20 người, tùy theo từng năm, nếu theo yêu cầu thì mỗi chấp sự chỉ chấp sự 1 lượt, nếu thiếu người thì mỗi chấp sự chỉ chấp sự 2 lượt.
Thành phần tham gia tế: Chủ tế, Đông xướng, Tây xướng, Bồi tế, đọc chúc, quan chung và các chấp sự, đội bát âm: Kèn, trống, chiêng. Đối với chủ tế phải chọn người có gia đình song toàn, nhà không có tang.
Trang phục tế: Ông chủ tế mặc áo thụng đỏ, đi hài thêu rồng, các ông bồi tế, Đông xướng, Tây xướng và các chấp sự quấn trắng, áo thụng xanh, áo the, khăn xếp.
Chuẩn bị lễ vật:
Làng Long Khám xưa vào ngày hội làng, lễ vật do được “Ông Đám” cùng hai giáp là giáp Nam và giáp Bắc đại diện cho các giáp là các dòng họ trong làng chuẩn bị đồ tế lễ do tế chủ và luận thứ các giáp chuẩn bị, tiền trích từ số tiền công riêng của các giáp công việc được phân công cho tất cả các giáp sắp xếp và chuẩn bị để mọi việc được chu đáo và trang nghiêm.
Lễ gà: Mỗi năm các dòng họ phải có một con gà lễ, nhiệm vụ nuôi gà lễ được giao cho ông trưởng họ. Gà được nuôi với quy trình nghiêm ngặt, nuôi riêng, cho ăn thức ăn sạch sẽ. Đến ngày hội làng sẽ giết mổ lễ thánh.
Lễ xôi: Thời xưa để có được mâm xôi dâng thánh cũng trải qua nhiều công đoạn cầu kì. Theo các cụ kể lại: Lúa phải là loại nếp cái hoa vàng, chọn từng gié (bông lúa), chưa chín hẳn, lúa được luộc chín sau mới sát vỏ trấu, rồi mới đồ thành xôi.
Vào ngày chính hội 20 tháng 8 Âm lịch, các dòng họ đội lễ lên đình dâng Thánh, sau đó hội đồng Lý trưởng mới chấm thi các mâm lễ. Mâm lễ của dòng họ nào đẹp, trang nghiêm. Gà phải đạt yêu cầu về hình thức là gà ở thế xòe cánh như sắp cất tiếng gáy, đầu cổ ngẩng cao, chân gà không được nứt. Xôi phải dẻo, thơm..dòng họ nào được giải sẽ rất khấn khởi, tự hào. Theo lệ làng quy định, “Nếu làm lễ làm sai, hoạc chuẩn bị mâm lễ không tinh sạch thì phải sửa 1 cơi giầu, tư văn có quyền phạt vạ. Bắt vạ sau khi hành lễ và rước sách. Trái hương lệ phải phạt vạ ngay, nộp 1 cơi giầu, 10 quả cau, 1 be rượu lễ tạ thần và xin bỏ tội..”. Chính vì những quy định chặt chẽ về lễ tế như vậy nên mọi việc làng và lễ tế đều được dân làng rất trang nghiêm tươm tất.
Sau khi được chuẩn bị đầy đủ các đồ thờ tự được đưa từ Đại đình ra Tiền tế. Đội tế được tập trung làm 2 hàng ở sân đình, đội tế theo hiệu lệnh của Đông xướng và Tây xướng. Trong khi tế khu đình rất trang nghiêm, không ai được ra vào hay to tiếng, thời gian tế thường kéo dài khoảng 2 giờ, người tế thường có con cháu đứng đằng sau quạt.
Phần hội:
Hội làng Long Khám xưa rất lớn, nổi tiếng khắp vùng, được đi vào thơ ca của nhà thơ Hoàng Cầm: “Hội Long Khám đêm sao chi chít”.
Giai đoạn Thành hoàng làng được thờ chính tại đình Long Khám ở khu vực “Bãi Cát”, phía trước chùa Bách Môn. Vào ngày 16/8 tổ chức rước kiệu từ đình về đền (đền thờ mẹ Lý Bí nay không còn) và từ đền về đình. Giai đoạn đình chuyển về vị trí hiện nay vào thế kỷ 17 -18. Theo các cụ kể lại thì vào hội làng vẫn còn rước kiệu. Thời kỳ tiêu thổ kháng chiến, đền thờ mẹ Lý Bí bị phá nên từ đó không còn rước kiệu, mà chỉ tổ chức tế lễ và các trò chơi dân gian.
Trò chơi dân gian: Hội Long Khám xưa rất nổi tiếng với các trò chơi dân gian đặc sắc, mang đậm nét tinh thần nhà võ của vị thần được thờ tại đình – vị tướng tài ba Trần Hưng Đạo, bởi vậy vào ngày hội làng dân làng tổ chức các trò chơi dan gian như: Tục “cướp cây Mộc tất” hay còn gọi là tục “cướp gậy ông Đám”; đấu vật, chọi gà, đánh cờ người, hát quan họ, hát chèo, hát ả đào, thả diều, đánh đu…
*Tục “cướp cây Mộc Tất” hay còn gọi là tục “cướp gậy ông Đám”, đây là trò chơi nổi tiếng ở làng Long Khám, tục này này chỉ truyền miệng trong dân gian, không tìm thấy tài liệu sử sách ghi chép. Theo các cụ trong làng thì: Đình Long Khám thờ Trần Hưng Đạo nên dân gian liên tưởng đến cây gậy có đầu bịt sắt dài mà Ngài hay mang theo mình. Khi tháp tùng Vua ông đã bỏ cây gậy sắt mà dùng cây gậy gỗ, thể hiện cách ứng nhân xử thế của bậc đại nhân, đại trí, đại đức, đại dũng của vị tướng tài ba Trần Quốc Tuấn, nên vì vậy mà hội làng Long Khám mới có tục “cướp cây Mộc Tất”.
“Cây mộc tất” là một cây gỗ tròn, có đường kính khoảng 15-18 cm, dài khoảng 3,5m được sơn sơn thếp vàng, gác trên hai cột cái ở gian giữa Đại đình, chỉ ngày hội làng mới hạ xuống. Vào ngày 18 hoặc 19/8 “Ông Đám” hạ cây mộc xuống bao sái sạch sẽ, sau để ở gian giữa Đại đình, ngăn mọi người không được đi vào gian giữa mà phải đi bằng các cửa bên vào đình cúng lễ, trong suốt thời gian lễ hội.
Sáng ngày 20, sau khi tế Thánh xong, toàn dân ăn uống vui vẻ tại đình làng. Cỗ trong ngày hội là thịt trâu, thịt lợn, thịt gà và đặc biệt là phải có món trám đen chấm tương hoạc xào với giá đỗ, đàn ông uống rượu bằng bát gốm Phù Lãng. Sau khi ăn uống no say, thanh niên của 2 giáp Nam và Bắc, đóng khố cởi trần để chơi trò “cướp cây Mộc tất”. Mỗi giáp giữ một bên đầu gậy, bên nào nhấc lên được trước là bên đó thắng. Cuộc tranh cướp kéo từ ở sân đình, ra ao đình, rồi ra cả ngoài cánh đồng, hai bên tranh cướp nhau thâu đêm có khi đến 1-2 giờ sáng, đến bên nào thắng thì thôi. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng hò reo náo động cổ vũ vâng dội, khắp đường đi lối xóm, ra đến cánh đồng người đi xem hội đốt đuốc soi sáng rực cả một vùng chi chít như sao đêm, để cổ vũ cho đội chơi. Đội nào mà thắng sẽ được làng trao giải thưởng, tuy phần thưởng không có nhiều giá trị nhưng bên giáp thắng rất vinh dự tự hào và quan niệm bên thắng sẽ được Thánh phù hộ cho sức khỏe, may mắn, làm ăn thuận lợi, gia đình an thái, chính vì vậy mà khi tham gia chơi đội nào cũng muốn giành chiến thắng, nên các cuộc “cướp cây Mộc tất” rất quyết liệt giữa hai giáp, nên có những năm tranh “cây Mộc tất” đến thâu đêm suốt sáng. Hết hội cây mộc tất lại được bao sái sạch sẽ, trang trọng gác lên hai cột đình.
Ảnh: Cây Mộc tất sơn đỏ được gác lên hai cột cái ở gian giữa Đại đình
Tục “cướp cây Mộc tất” làm nên nét riêng đặc sắc của hội làng Long Khám xưa thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc ta, sau những ngày lao động vất vả mọi người lại được thả mình vào cuộc chơi, tăng thêm tinh thần cố kết cộng đồng. Tiếc rằng từ thời chiến tranh chống Pháp đến nay thì tục “cướp cây Mộc tất” không còn được tổ chức nữa. Hiện nay ở đình làng Long Khám vẫn còn cây gậy Mộc tất được sơn đỏ gác lên hai cột cái ở gian giữa Đại đình.
Đấu vật
Đấu vật là một trò chơi dân gian truyền thống đã có lâu đời ở làng Long Khám, vào dịp hội làng đấu vật là trò chơi không thể thiếu, đấu vật xưa được chia làm giai đoạn:
+Vật dọn sới/dọn bãi tức vật cho mịn đất để hôm sau chơi.
+Vật chầu, chính là ghi thức vật chầu thánh, phải là các đô vật trong làng tham gia vật. Vật chầu khá thú vị, dù có rất nhiều “miếng” hay nhưng 2 người vật phải cùng thua, không được bên nào thắng đó là quy định của làng.
+Vật tranh giải: Mời các đô vật ở các vùng khác đến để tranh hùng. Khi xưa hội làng Long Khám nổi tiếng có trò chơi đấu vật, thu hút các kì phùng địch thủ khắp nơi đến tranh hùng, giật giải. Tiếng trống hội vật thôi thúc, tiếng hò reo náo nhiệt, kích thích các đô vật thi đấu hăng say. Khi thi đấu, đô vật cởi trần, đóng khố, hai đô vật múa tay xe đài ba vòng bên phải, ba vòng bên trái, sau đó người trọng tài ra lệnh rồi mới bắt đầu thi đấu. Đô vật đấu trong một vòng tròn có đường kính khoảng 6m, để giành được phần thắng đô vật chỉ cần vật cho đối thủ ngã lấm lưng, trắng bụng hoặc nhấc bổng đối phương lên là thắng
Từ khoảng năm 1971 hội làng Long Khám không còn trò chơi đấu vật, nay trong làng các đô vật cũng không còn. Trong làng các cụ cũng rất mong muốn tổ chức lại trò chơi này. Đấu vật là trò chơi đấu sức để rèn luyện sức khỏe, đã trở thành nét đẹp truyền thống của người dân nơi đây, cần được bảo tồn và tổ chức lại vào mỗi dịp hội làng để trai làng được tham gia chơi, đó cũng là dịp để nhắc mọi người nhớ về một làng “đô vật” đã có từ xưa.
Cảnh đấu vật trong tranh dân gian
Hát quan họ
Long Khám thuộc xứ Kinh Bắc nơi nổi tiếng với những làn điệu quan họ, đặc vào dịp hội làng, các anh Cả, anh Hai từng tốp với trang phục quần trắng áo the, khăn xếp, tay khoác chiếc ô lục soạn, miệng bỏm bẻm nhai trầu tiến về nơi mở hội. Trong khi đó, các chị Cả, chị Hai vấn tóc trần thò ra ngọn tóc đuôi gà lúc lắc, quần sa tanh bóng loáng cùng bộ áo cánh mớ ba mớ bảy hé mở phô chiếc yếm đào duyên dáng. Chiếc nón ba tầm khoác hờ sau vai, hai má lúm đồng tiền ửng đỏ, cặp mắt long lanh, lúng liếng sau miếng trầu cau tươi cay nồng. Miệng luôn nở nụ cười chúm chím khoe bộ răng đen nhánh đều như hạt na, ngồi trên thuyền cất tiếng hát vọng ra từ ao đình của các liền anh liền chị, làm xao xuyến lòng người như mời gọi mọi người đến chung vui để rồi hòa mình vào không khí vui tươi của lễ hội. Đến nay, hội làng Long Khám vẫn tổ chức hát quan họ vào hội làng.
Hát quan họ trong tranh dân gian
Đánh đu
Đánh đu là một trò chơi dân gian không thể thiếu vào mỗi dịp hội làng Long Khám. Cây đu thường được làm từ sáu cột tre dài được chôn sâu xuống đất, treo ở chính giữa là hai cây tre nhỏ làm dây đu. Dân làng thường chơi đánh đu vào dịp hội làng, là trò chơi dân gian dễ chơi nên ai nấy cũng thích thú, háo hức thi nhau đu. Lên đu có thể là một hay hai người. Càng nhún mạnh thì đu càng lên cao từ bên nọ sang bên kia, nhiều khi đu bay ngang đến tận ngọn đu. Trò chơi luôn thu hút được nhiều người tham gia. Đến nay đánh đu không còn được tổ chức vào hội làng Long Khám.
Cảnh đánh đu trong tranh dân gian
4.2. Lễ hội nay:
Nay hội làng Long Khám vẫn được dân làng tổ chức hàng năm, các nghi thức tế lễ được các cụ trong ban hành lễ, tổ chức trang nghiêm các nghi thức tế thánh, và các dòng họ chuẩn bị lễ vật dâng thánh. Song nghi thức rước kiệu và một số trò chơi dân gian đến nay không còn được duy trì tổ chức như trò “cướp cây Mộc tất”, đấu vật, thả diều..mà thay vào đó là các trò chơi hiện đại như bóng đá, bóng truyền.
- Mối quan hệ của cụm di tích đình-chùa Long Khám
Đình chùa đều thuộc làng Long Khám, từ xưa cụm di tích vẫn có mối quan hệ mật thiết. Vào ngày hội làng sư chùa Bách Môn ra đình làm lễ, ngày lễ chùa thì đều mời các cụ ra chùa tham gia, mang lễ vật, mặc áo the khăn xếp. Vào thời kháng chiến chống Pháp, do tiêu thổ kháng chiến chùa Bách Môn bị phá, nên toàn bộ tượng Phật được đưa về đình Long Khám, khi đó các cụ trong làng đã lập một gian nhỏ tại đình Long Khám để phụng thờ Phật. Đến năm 1992 dân làng Long Khám mua được một nhà cấp 4 ở thôn Duệ Đông, thị trấn Liêm, huyện Tiên Du mang về chùa Bách Môn làm nơi thờ Phật. Năm đó dân làng Long Khám, cùng chính quyền địa phương đã tổ chức nghi thức rước tượng Phật từ đình Long Khám về chùa rất long trọng, đi đầu là đội múa rồng, lân, sau đó là cả gần trăm sư tụng kinh làm lễ rước Phật. Đoàn rước long trọng, trang nghiêm, nhân dịp này dân làng Long Khám cũng tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: Đấu vật, múa sư tử, hát quan họ. Chùa Bách Môn là một ngôi chùa lớn thuộc làng Long Khám, từ xa xưa chùa đã nổi tiếng với sự linh thiêng, kiến trúc đẹp. Cụm di tích đình chùa là chốn gửi gắm tâm linh của nhân dân, nơi còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống.
Ảnh: Chùa Bách Môn ngày nay
Hiện nay, hội làng Long Khám đã nhiều năm không tổ chức nghi thức rước kiệu cùng một số trò chơi dân gian mà trước đó đã làm nên nét đặc sắc của hội làng Long Khám như tục “Cướp cây Mộc tất/cướp gậy ông Đám”; hay trò đấu vật…cùng một số trò chơi khác. Khôi phục và bảo tồn và phát huy những nét đẹp truyền thống là điều cần thiết, đặc biệt là các giá trị văn hóa phi vật thể trong lễ hội xưa, để thể hiện sự trân trọng, tiếp nối dòng chảy văn hóa lịch sử của cha ông đã để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Ảnh: Chùa Bách Môn ngày nay
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Sở Văn hóa và Thông Tin Hà Bắc (1990) Lý lịch di tích đình Long Khám.
- Thần tích – thần sắc thôn Long Cung, làng Long Khám, tổng Đông Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
- Ban quản lý di tích đình Long Khám biên soạn – Di tích đình làng Long Khám (2017).
- Hoàng Cầm – Về Kinh Bắc (1959-1960).
- Đại Việt sử ký toàn thư.
- Làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19.
- Đồng Khánh Dư địa chí.
- Thích Mật Thể (1943) Việt Nam Phật giáo sử lược.
- Nguyễn Lang, (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận tập 1, Nxb Văn học.
- Lê Trung Vũ-Lê Hồng Lý-Lễ hội Việt Nam tập 1, 2. Nxb Văn hóa Thông tin.
[1] Hồ sơ di tích đình Long Khám 1990
[2] “Việt Nam Phật giáo sử lược” xuất bản năm 1943
[3] Lý lịch di tích chùa Bách Môn
[4] “Ông Đám” là người thực hiện các nghi lễ cúng tế trong đình, có vai trò như ông thủ từ và ông trưởng ban khánh tiết bây giờ song được quy định rất chặt chẽ.
Leave a comment